MENU CHÍNH


Lộc Minh Đình Thi Thảo


Tuồng Trương Ngáo


Đường Thi Tuyển Chọn


Log In

Username

Password

Remember Me



[HH] Nghĩ Về Cái Mờ Nhạt Mông Lung

DoiCu

Nghĩ về cái mờ nhạt mông lung

TRẦN UYÊN THI
Cái ý nghĩa vô cùng trong trời đất từ xưa đến nay,
Lại ở nơi đám khói trên ngọn cây lờ mờ nẻo xa...

Nguyễn Trãi (1380-1442)

Xem bản PDF

1. Tôi vẫn thích những bức tranh có mây chiều lãng đãng vắt ngang đầu những ngọn núi thấp thoáng xa xa, lúc ẩn lúc hiện; hay những tia nắng sớm len vào những tán lá thông xuyên qua làn sương mù làm rực lên một dải nắng vàng óng ả, sáng lấp lánh; hay một đám khói mù khơi trên mặt hồ lúc bình minh, khi đất trời dần dần chuyển từ mờ sang tỏ. Có thể, tôi sẽ thốt lên một tiếng “wow” thán phục, khi đứng trước một bức tranh có cảnh núi non dưới một bầu trời xanh như ngọc, không gợn mây, nếu như người hoạ sĩ đã sử dụng màu sắc một cách tài tình, và vẽ núi vẽ non với những đường nét tiêu biểu, có góc cạnh, với kỹ thuật điêu luyện. Song, những bức tranh có tính ước lệ và bất động như thế khiến người xem nhìn vào đó chỉ thấy núi, bầu trời, và nắng mà không thấy được cái hồn của cảnh vật. Trong khi đó, những bức họa mà trong đó cảnh vật bị một đám sương mù, một dải mây, hay vài giọt sương mai — chẳng hạn — làm cho mờ nhạt đi, khiến cho thực tại rơi vào cõi mơ hồ, giữa hư và thực, giữa cái dường-như-có, dường-như-không, mới đích thực là những tác phẩm có có sức lôi cuốn và quyến rũ đối với tôi. Này nhé, phía sau những đám mây mù kia, ta tưởng như có gì xao động — liên tục, không ngừng — cái này hoà tan vào cái kia, khiến cho bức họa mang hơi thở vào ra của sự sống. Chính những chỗ bị che lấp bởi mây mù cho phép trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn mặc sức bay bổng, tuỳ theo kinh nghiệm sống và ý thích riêng của bản thân: từ trên đỉnh núi cao tuyệt mù, nghe như có một ngọn thác trắng xoá đang ầm ầm đổ xuống… cá lội tung tăng… những hang động bí ẩn… những bông hoa rừng hoang dại… những rặng thông rì rào… những thảm lá thông êm ái… mùi nhựa thông hăng hắc mà ngọt ngào quyện trong không gian… Đó là những thứ mà hoạ sĩ không cần phải ham hố và nhọc công vẽ vào trong tranh. Bằng cách làm cho cảnh vật lờ mờ ở phía xa xa, bằng vài nét phác thảo có tính cách tượng trưng, hoạ sĩ tạo cho bức tranh một cấu trúc mở, từ đó phơi bày tự tánh của sự vật và vẻ đẹp nguyên sơ của nó.

Đối với thơ, tôi cũng có cùng một lối thưởng ngoạn như thế.

Đà Lạt, thành phố sương mù mộng mơ, nguồn thi hứng của bao đời... Làm sao vẽ lại Đà Lạt, với tất cả các đường nét của nó: mây trắng giăng giăng đầu núi, muôn ngàn thung lũng xanh non, những con suối ngoằn ngoèo, những rặng thông vi vu, những căn nhà xinh xinh nằm rải rác trên sườn đồi, những vườn rau xanh mơn mởn, những cuộc tình thơ mộng, những bước chân chia ly... Đà Lạt, với những con dốc thoai thoải, cái này chồng lên cái kia, buổi chiều mặt trời đỏ ối phía sau dốc, người đi lên dốc tưởng như từng bước chân đưa mình gần hơn đến thượng giới. Đà Lạt, với những con thác sủi bọt trắng xoá, với chiếc cầu bắc ngang làm bằng thân của một cây thông già để nguyên vỏ, nước liếm vào thân cây phủ đầy rêu xanh, bước lên không khéo trượt chân, thấy mình chơi vơi giữa bờ sinh-tử: nhìn về phía đầu ghềnh, dòng nước chảy xiết dữ dội đập vào những tảng đá bạc đầu, nhìn về phía cuối ghềnh, nước êm ả nhè nhẹ trôi, những thân củi mục từ thượng nguồn xa xôi trôi về, lênh đênh như thân phận con người. Làm sao có thể mang tất cả những thứ đó vào trong một bức tranh, hay một bài thơ?

Dalat Nang chieu qua thong

***

Năm 1933, thi sĩ Hàn Mặc Tử đến Đà Lạt và đã cùng với người bạn tri kỷ của mình là nhà thơ Quách Tấn tham quan khắp các thắng cảnh, từ thác Cam Ly đến rừng Ái Ân, đến hồ Than Thở... Một đêm sáng trăng, đôi bạn thơ nắm tay nhau, thong thả dạo chơi, vừa đi vừa nói chuyện thơ chuyện thẩn, thì đột nhiên được "chú mục" một cảnh tượng rất ư là huyền ảo. Nhà thơ Quách Tấn kể lại trong quyển Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử như sau:

“[...]Chúng tôi đang nói chuyện thì dường như có một luồng ánh sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: Một đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc mỗi vun cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hực cả bốn bên. Trong phút chốc mặt hồ bị khuất hẳn và trước mặt chúng tôi nổi lên một ngọn “núi bông gòn” trắng phau và sáng ánh. Rồi một ngọn gió thổi nhẹ, sương ùn ùn toả ra khắp nơi và cuốn cả trời đất muôn vật. Chúng tôi không còn thấy gì ngoài ánh trăng. Đến nỗi chúng tôi đứng sát bên nhau mà chúng tôi nhìn cũng không thấy rõ được nhau!

Chúng tôi có cảm giác là trời đất đã tan ra thành thuỷ tinh và chúng tôi đương đứng lơ lửng giữa hư vô... Sương bay thấm má và một luồng hơi mát chạy khắp châu thân, gây một cảm khoái dìu dịu...

Tôi nói khẽ cùng Tử:

“ Mình đương chìm vào mộng hay mộng đương lắng vào mình?”

[Tử nói]:
“ Hư thực phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều... Hãy lắng nghe... Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe...” (tr. )


Nhờ trải qua kinh nghiệm hiếm hoi đó, sau này hai thi sĩ đã để lại hai bài thơ có thể nói là hay nhất về Đà Lạt:

Đà Lạt Đêm Sương
QUÁCH TẤN


Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Đứng dựa non sao bờ suối ngọc,
Hồn say dịu dịu, mộng êm êm.

Một luồng sương bạc bỗng từ mô,
Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ,
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:
Người lơ lửng đứng giữa hư vô.

Trời đất tan ra thành thuỷ tinh,
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh,
Âm thầm mơn trớn bên đôi má,
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.


Bốn câu đầu, đã có thể sánh vai với một bài Đường thi, và có phần tân kỳ. Hay nhất là câu “thời khắc theo nhau lải rải chìm”. Ta đã từng nghe âm thanh rơi: “Tiếng vàng rơi xuống giếng / Trăng vàng rơi bờ ao” (Hàn Mặc Tử), nhưng thời gian — một phạm trù phi hình thể — cũng theo bóng trăng rơi chầm chậm xuống mặt hồ, thì thực là độc đáo! Trong giây phút này chứa đựng cái thiên thu.

Nhưng bài thơ sẽ không có gì đặc biệt hơn nữa, nếu không có sương mù. Khi luồng sương bạc xuất hiện, ở đoạn thứ hai, như cánh tay áo của một tiên nga, cuốn cả vừng trăng, mặt hồ, non sao, bờ suối ngọc, và cả thi nhân, cuốn lên giữa hư không, thì đó cũng là lúc bài thơ chắp cánh bay cao, là lúc cảnh vật và con người hoà thành một, là lúc trời và đất hoà vào nhau và tan ra thành thuỷ tinh. Hiện hữu hay là không hiện hữu? Thực hay là mộng? Nếu nói là thực, thì sao không thấy tăm dạng đâu? Còn nếu nói là mộng, thì sao có bàn tay của tiên nga mơn trớn lên má, khiến cho khắp mình một nỗi đê mê chạy rần rật?

Còn đây là bài “Đà Lạt Trăng Mờ” của Hàn Mặc Tử:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ,
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều!
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm,
Hư, thực làm sao phân biệt được?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi cũng nói rằng:
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!


Cũng như bài thơ của Quách Tấn, chất liệu làm cho cảnh vật mờ nhạt đi trong bài thơ này là sương. Sương làm cho muôn ngàn tinh tú trở nên lung linh huyền ảo, làm cho những rặng thông xanh chìm đắm trong mơ màng, trầm lắng và mông mênh. Và, chính ngay lúc đó, là giây phút mối giao cảm thiêng liêng giữa con người và tạo vật bắt đầu nảy nở.

Tôi thích nhất là tiếng “suỵt!” thầm thì dễ thương của thi sĩ họ Hàn: “Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều! Để nghe dưới đáy nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió...” Nói chi cho nhiều! Cái đẹp và chân lý luôn vượt thoát mọi ngôn từ (dù là ngôn từ của thi nhân). Hãy lắng lòng lại, hãy buông bỏ hết những định kiến, những ý niệm, những đám mây mù trong tâm hồn để còn trơ lại một bầu trời xanh trong vắt, lúc đó mới có thể ôm trọn và phản chiếu được thực tại một cách trọn vẹn và chính xác nhất, như nó là (as it is).

"Cả trời say nhuộm một màu trăng." Chữ say ở đây là một “nhãn tự”, nó làm cho con rồng được điểm xong mắt và muốn rùng mình bay ra khỏi bức tranh. Đâu là tiếng tơ liễu run run trong gió? Đâu là tiếng nước thầm thì dưới khe? Tất cả bây giờ bỗng im bặt. Cả trời đất ngất ngư, mơ màng. Vì say! Say trăng! "Không một tiếng gì nghe động chạm" nữa hết. Ánh trăng nuốt hết mọi âm thanh, thâu tóm hết mọi sự xao động. Ở vào khoảnh khắc thiêng liêng kỳ diệu này, dù cho cả tảng sao băng có vỡ tung thành từng mảnh đi nữa, thì tiếng vỡ của nó cũng sẽ tan ngay vào trong luồn ánh sáng đang bàng bạc mênh mông trải khắp nhân gian mà thôi!

Tôi ngờ rằng nếu hai bài thơ trên đây không có nét mờ nhạt do sương mù mang lại, thì sẽ không có cái thần hồn đó.

Thôi Hiệu, trong một buổi chiều chạng vạng, tranh tối tranh sáng, bắt gặp một đám khói nổi bồng bềnh trên mặt sông, không phải đã chạnh nỗi sầu nhớ quê vời vợi đó sao! Những đám cây ven bến Hán Dương lồng bóng dưới dòng sông lững lờ trôi, những thảm cỏ mơn mởn xanh tươi trên bãi Anh Vũ… đó là là phong cảnh ở đây (nơi đất khách), hay ở quê nhà? Dường như ta đã từng bắt gặp một cảnh tượng như vậy, ở đâu đó, trong một khoảnh khắc nào đó, trong thời thơ ấu… lúc vừa biết yêu… hay trong một kiếp xa xôi nào đó... Qua làn khói sóng mịt mờ, hình ảnh cố hương càng hiện ra rõ mồn một trước mắt, khiến trong lòng người lữ khách dâng lên một nỗi u hoài mông mênh.
Dalat Cheo thuyen

***

Tại sao sự lờ mờ, mông lung lại có nét đẹp quyến rũ và có chiều sâu như vậy? Có phải chăng vì từ xưa đến nay, đã có biết bao nhiêu nghệ sĩ hăng say đi tìm kiếm một phương thức để biểu hiện thực tại của khách thể một cách khách quan, nhưng sự tìm kiếm đó, cuối cùng, chỉ rơi vào vô vọng, vì có cố gắng cách mấy cũng chỉ có thể thể hiện được cái ảo ảnh của cái “có thực” mà thôi? Sản phẩm của tư tưởng duy lý này là những tác phẩm nghệ thuật khô khan, bất động, là một sự sao chép nguyên xi những gì tầm mắt có thể thấy được. Trong khi đó, một người nghệ sĩ biết sử dụng cả trí năng lẫn tàng thức, cả bộ óc lẫn tâm hồn của mình, mới thực sự sống với tác phẩm — chứ không phải chỉ “biểu hiện” nó — nhờ đó mang theo những rung động của sự sống (sinh khí) và sự biến chuyển không ngừng của tạo vật (sự linh động) vào trong tác phẩm của mình. Nói cách khác, sự mơ hồ và mông lung là một sự biểu hiện chính xác nhất của cái “dường như là”: dường như là cuộc sống, dường như là giấc mơ, dường như là anh, dường như là tôi, dường như là gió, dường như là mây... Đây chính là bản chất nguyên sơ cuả sự vật: Nó không hiện diện, mà cũng không khiếm diện, không "có" cũng không "không". Nó luôn luôn vận hành, biến đổi, không bao giờ đứng yên, bất động.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi, nhân nhìn lại cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Minh, sau một hồi ngẫm nghĩ về sức mạnh của lòng dân (dân mạnh như nước, có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền), về duyên nghiệp của hoạphúc (hoạ phúc đều có manh mối sâu xa, không chỉ một ngày mà có được), đã thốt lên:

乾坤今古無窮意
卻在滄浪遠樹煙
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại Thương Lang viễn thụ yên.
(Bài “Quan Hải”)

Hai câu thơ chữ Hán vô cùng cô đọng trên đây của Nguyễn Trãi phải phóng dịch dài dòng lôi thôi như sau mới mong diễn trọn ý:

Cái ý nghĩa vô cùng trong trời đất từ xưa đến nay,
Lại ở nơi đám khói trên ngọn cây lờ mờ nẻo xa, bên dòng sông lặng lờ


Bất định, trống rỗng, và mơ hồ, như sương, như khói, như mộng, như tia chớp: đó chính là cái lẽ huyền vi, uyên thâm của vạn vật mà Nguyễn Trãi, hơn 500 năm về trước, đã bắt gặp nơi một đám khói lởn vởn trên ngọn cây lờ mờ xa tít đằng kia. Giản dị và tự nhiên vậy thôi. Không phải cái thấy đó có được là nhờ ở kiến thức thông kim bác cổ của Nguyễn Trãi, mà chính là nhờ những gì ông đã chứng nghiệm được qua bao nhiêu thăng trầm, được mất, vinh nhục của cuộc đời ông và của cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Đây là một bài thơ nổi tiếng trong làng Thiền, tương truyền là của Tô Đông Pha:

盧山煙鎖浙江潮
未到生平恨不消
到得還來無別事
盧山煙鎖浙江潮

Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều,
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu,
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều.

Mù toả Lô Sơn sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đó hận muôn vàn,
Đến rồi về lại không gì lạ,
Mù toả Lô Sơn sóng Chiết Giang.


Lô Sơn thấp thoáng ẩn hiện sau đám sương mù dày đặc, biến hoá thiên hình vạn trạng, cho nên thấy được chân diện mục của nó là chuyện khó khăn cực kỳ. Sự quyến rũ của Lô Sơn là ở nơi những bí ẩn ở đằng sau những đám khói mù mịt kia; sự thách thức của Lô Sơn là ở nơi những vách đứng, vực sâu, những con đường ngoằn ngoèo khó đi kia. Nhưng ta vẫn liều mạng, một hai phải đến đó cho bằng được. Và đến nơi rồi, thì sao? Ta mới vỡ lẽ: “có gì lạ đâu?”, ở trong đó cũng có nước, có đất, có gió, có lửa... như tất cả những nơi khác, vậy thôi. Và ta quay về. Quay về với bản tâm của ta. Có điều, cảnh vật thì vẫn vậy — Lô Sơn vẫn toả sóng mịt mù khi ta đến và khi ta đi— nhưng cái người bước ra khỏi Lô Sơn đó đã là một người khác rồi.

Từ xưa đến nay, những chốn có sương mù, sóng toả, khói bay... , như Lô Sơn, như Đà Lạt, luôn luôn là một nàng tiên nga quyến rũ, không những đối với khách du lịch, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca và nghệ thuật, phải chăng là vì nó là một sự biểu hiện chính xác nhất cái tự tánh muôn đời của vạn vật: vô thường và rỗng không?

Virginia, August 2007 – April 2008
TUT
E-mail: hoaihuong_2003@yahoo.com

Created on 04/07/2008 03:36 PM by HoaiHuong
Updated on 03/26/2010 09:30 PM by HoaiHuong
 Printable Version

What's Related


Font chữ Nôm

Để đọc được tất cả các chữ Nôm trên trang web này, xin cài đặt hai bộ font HAN NOM A và HAN NOM B. Xin xem hướng dẫn tại trang web của Viện Việt Học.

Đề thi Trắc nghiệm môn Toán, Tú Tài II, 1973-1974


Stats

Web Pages:  360

This Site is powered by phpWebSite © phpWebSite is licensed under the GNU LGPL
Contact webmaster: hoaihuongime@yahoo.com